Chiều 24/2, trao đổi với VnExpress, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết đã có một số đoàn, nhóm lao động Việt Nam được một số chủ công ty Hàn Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khỏi Libya bằng đường bộ. Hiện chưa có lao động Việt Nam nào bị thương vong.
– Thưa đại sứ, tình hình hiện nay tại Libya như thế nào?
– Tình hình Libya hiện nay diễn biến phức tạp và chắc còn tiếp tục trong những ngày tới. Ở thủ đô Tripoli và một số nơi vẫn còn có biểu tình ủng hộ và biểu tình chống đối. Cho đến nay, khu vực đại sứ quán đang làm việc và nơi ở (Al-Hadba Al-Khadra, Tripoli) chưa có cuộc biểu tình nào đi qua. Cán bộ nhân viên và người nhà vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường trong khuôn viên đại sứ quán.
Tuy vậy, tình hình bất ổn cũng ít nhiểu ảnh hưởng đến công việc của đại sứ quán. Từ ngày 21/2, tại Tripoli, nhiều công sở, cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa, phương tiện công cộng ít có, đường phố vắng lặng, dân chúng ngại ra đường, mạng điện thoại, đường truyền Internet bị trục trặc liên tục… Chúng tôi đã xây dựng các phương án để bảo vệ an toàn cho trụ sở cơ quan cũng như tính mạng, tài sản của cán bộ và người thân trong đại sứ quán, chuẩn bị trước lương thực, thực phẩm, nước uống nên có thể dùng được trong 2-3 tuần tới.
– Một số báo đưa tin lao động Việt Nam tại đây đang gặp nhiều khó khăn, xin ông cho biết cụ thể hơn?
– Cộng đồng người Việt Nam tại Libya chủ yếu là người lao động xuất khẩu có thời hạn (khoảng 10.000), ngoài ra có 10 sinh viên đang theo học tại Trường Hồi giáo ở Tripoli. Lao động của chúng ta chủ yếu tham gia các công trình xây dựng như cầu, đường, sân bay, nhà máy điện, trường học, bệnh viện, cảng biển và các công trình nhà ở dân dụng… Khi bất ổn xảy ra ở khu vực nào thì các công trình, dự án đó ngừng thi công để đảm bảo an toàn cho người lao động. Hiện nay, hầu hết người lao động Việt Nam đã không đi làm, nghỉ ở các trại. Những nơi cảm thấy có lực lượng vào đốt phá thì người lao động được chuyển đến nơi an toàn hơn. Trong thời gian nghỉ việc, người lao động vẫn được chủ sử dụng lao động cung cấp đồ ăn, thức uống.
Tuy vậy, có một số lao động làm ở công trường, dự án bị đốt phá phải chạy nương trú ở sân vận động, trong nhà thờ, trường học. Số này và một số người lao động ở công ty có chủ là người nước ngoài đã sơ tán về nước đang gặp khó khăn, thiếu thốn trong việc ăn, ở. Song, điều may mắn là cho đến thời điểm này, theo thông tin chúng tôi có được chưa có ai là người lao động Việt Nam bị thương vong.
– Tâm lý chung của cộng đồng người Việt tại Libya hiện nay ra sao?
– Khi tình hình bất ổn, tất nhiên cuộc sống bị xáo trộn, mất việc làm, phải về nước khi hợp đồng chưa kết thúc. Một số người có phần sợ hãi, không biết tính mạng của mình ra sao trong lúc bạo loạn này. Phần lớn trong số họ muốn nhanh được về Việt Nam. Đối với sinh viên thì việc học hành bị tạm dừng, tâm lý cũng lo lắng và căng thẳng nhiều.
– Đại sứ quán đã có biện pháp gì để bảo vệ cộng đồng người Việt Nam tại Libya?
– Ngay sau bất ổn, Đại sứ quán đã tổ chức cuộc họp với đại diện các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam tại Libya. Chúng tôi thường xuyên duy trì liên lạc để nắm tình hình, động viên người lao động bình tĩnh, cảnh giác, tránh đi vào chỗ đông người. Chúng tôi cũng làm việc với các cơ quan chức năng của bạn và lãnh đạo các công ty có người Việt Nam làm việc để có biện pháp bảo vệ an toàn cho người lao động; đảm bảo việc cung cấp thức ăn, đồ uống; di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.
Khi tình hình bất ổn lan rộng ra khắp Libya, chúng tôi đã báo cáo cơ quan chức năng trong nước để chỉ đạo các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam ngừng việc đưa người lao động sang; phối hợp chặt chẽ với các công ty nhận lao động Việt Nam trong việc sơ tán, giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Hiện nay, theo chỉ đạo ở trong nước, chúng tôi đã dự kiến các phương án di dời người lao động ra khỏi Libya, tích cực phối hợp với các công ty nước ngoài trong việc giải quyết thủ tục cần thiết để họ có thể đưa lao động Việt Nam về nước.
– Thưa ông, đến thời điểm này đã có bao nhiêu lao động Việt Nam được sơ tán khỏi Libya?
– Từ chiều 23/2, đã có một số đoàn, nhóm lao động Việt Nam được chủ một số công ty Hàn Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khỏi Libya đưa bằng đường bộ, đường hàng không, đường thuỷ để sau đó về nước. Khi tình hình cần sơ tán khẩn trương, ngoài trách nhiệm của các công ty nhận lao động, Chính phủ ta sẽ có biện pháp đưa toàn bộ người lao động Việt Nam về nước.
(Nguồn: www.tindachieu.org)