Người đàn ông mình đầy thương tích bị những chiến binh nổi dậy lôi ra khỏi đường ống thoát nước. Một lưỡi lê chọc thẳng vào mạng sườn. Máu tuôn xối xả. Những hơi thở cuối cùng nặng nhọc chìm trong những lời chửi bới, phỉ báng…
Cái chết thê thảm của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đánh dấu sự sụp đổ của một chế độ chính trị đã kéo dài hơn 40 năm tại đất nước Libya – một chế độ được cho là độc tài, phi dân chủ. Với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây, lực lượng nổi dậy tại đất nước này đã tiến hành thành công cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của ông Gaddafi vào những tháng cuối cùng của năm 2011.
Khi Gaddafi được công bố đã chết, những loạt đạn ăn mừng đã được bắn lên trời tại nhiều thành phố và thị trấn. Giới truyền thông quốc tế hồ hởi nói về một thời kỳ mới của tự do, thịnh vượng và phát triển đang mở ra với đất nước Libya. Nhưng cũng có những ý kiến bi quan hơn dự báo một tương lai loạn lạc, vô chính phủ đang chờ đón người dân nước này.
5 năm trôi qua, những dự báo ngược chiều dư luận ấy đang trở nên đáng tin hơn bao giờ hết. Đất nước Libya xinh đẹp ngày nay đã trở thành đất nước bất ổn nhất Bắc Phi. Những con người năm xưa đổ ra đường ăn mừng cái chết của Muammar Gaddafi giờ đang phải đối mặt trước thực tế phũ phàng của đất nước Libya hậu đảo chính. “Chúng tôi không còn là một quốc gia nữa, chúng tôi đã trở thành những nhóm bộ tộc, thị trấn, thành phố chém giết nhau”, Tebu Mohammed – một công dân Libya – nói với giọng ngậm ngùi pha chút tiếc nuối. “Libya đã chết cùng với Gaddafi”.
Jamahiriya – Quốc gia quần chúng
Xã hội Libya vốn là tập hợp của nhiều bộ lạc Arab, cộng với các bộ lạc người da đen ở miền tây và miền nam đất nước như người Berber, Tuareg và Toubou. Trong hơn 40 năm Gaddafi nắm quyền, ông đã dày công gây dựng sự đoàn kết, bằng thương thuyết, bằng vũ lực, bằng những sự sắp xếp nhân sự… để tạo nên một chất keo kết dính các bộ lạc lại với nhau, gạt bỏ những bất đồng để chung sống hòa bình. Khi một bộ lạc nào đó trở nên quá lớn mạnh và có ý đồ li khai thì đều bị dập tắt từ trong trứng nước.
Để điều hành đất nước vốn có nhiều mầm mống chia rẽ này, Muammar Gaddafi đã xây dựng một hình thức chính quyền mới có tên Jamahiriya – Quốc gia Quần chúng, một hình thức chính quyền độc đáo duy nhất có tại Libya. Theo lý thuyết, “Quốc gia Quần chúng” Libya theo thể chế chính trị dân chủ trực tiếp, không có sự tồn tại của các đảng phái chính trị và được quản lý bởi người dân thông qua các hội đồng nhân dân địa phương và các công xã. Đóng vai trò giám sát hoạt động của các hội đồng nhân dân là các hội đồng cách mạng với người đứng đầu là đại tá Gaddafi. Bởi vậy, dù Gaddafi không chính thức nắm một vị trí nào trong chính quyền kể từ năm 1980, nhưng ông vẫn duy trì được quyền lực kiểm soát đất nước cho tới tận ngày bị lật đổ.
Về mặt kinh tế, trong suốt hơn 40 năm triều đại Gaddafi, Libya từ một trong những đất nước nghèo nhất châu Phi đã trở thành đất nước giàu có nhất của châu lục này. Libya từng có GDP trên đầu nước cao nhất, và tuổi thọ dân số cũng thuộc hàng cao nhất toàn châu lục.
Với lợi nhuận có được từ việc quốc hữu hóa toàn bộ nguồn tài nguyên dầu mỏ, chính quyền Gaddafi đã thực hiện hàng loạt chương trình an sinh xã hội tiến bộ cho người dân Libya. Dưới thời của ông, người dân Libya được hưởng y tế và giáo dục miễn phí. Họ không phải trả hóa đơn tiền điện, gần như được miễn phí xăng dầu, chất đốt, và có thể tiếp cận với các khoản vay không lãi suất từ ngân hàng nhà nước. Chính quyền Gaddafi cũng là kiến trúc sư trưởng của một hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới, đưa nước tưới tiêu đến mọi nên trên khắp đất nước Libya. Chính Gaddafi đã gọi công trình vĩ đại này là “kỳ quan thứ tám của thế giới”.
Trước khi đại tá Gaddafi lên cầm quyền, chỉ có 25% dân số Libya biết đọc biết viết. Trong suốt triều đại của ông, tỉ lệ này được nâng lên 87%, với 25% có trình độ đại học. Không giống như tại các quốc gia Arab khác, phụ nữ Libya dưới thời Gaddadi được quyền tiếp cận với giáo dục, việc làm, được quyền li hôn, sở hữu tài sản và có thu nhập. Chính Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận và ca ngợi những nỗ lực của nhà lãnh đạo quá cố Libya trong việc bảo vệ quyền phụ nữ.
Libya hậu Gaddafi
Sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ, những chất keo kết dính xã hội mà ông dày công tạo dựng nhanh chóng tan vỡ. Vũ khí tràn lan thời hậu chiến, cộng với các nhóm vũ trang được hình thành trước đó trong hàng ngũ quân nổi dậy, tạo nên một bức tranh hỗn loạn ở các địa phương.
Ngay sau khi tiếp quản thủ đô Tripoli, đụng độ lẻ tẻ giữa các nhóm nổi dậy đã nổ ra xung quanh bất đồng trong việc phân chia địa bàn kiểm soát. Dưới sự hòa giải của chính phủ mới của Libya khi đó, hầu hết các xung đột này được tạm lắng xuống một thời gian. Những mâu thuẫn này cuối cùng bùng nổ vào năm 2014 khi phe Hồi giáo với các nhóm vũ trang của mình giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli. Từ đó Libya tồn tại 2 chính quyền song song nhau.
Đóng đô ở Tripoli là chính phủ của tổ chức Anh Em Hồi giáo và các đồng minh. Vì có nòng cốt là tổ chức Anh em Hồi giáo nên chính phủ Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, Sudan… hỗ trợ và công nhận.
Đóng đô ở Benghazi là chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận cho tới đầu năm 2016, có thành phần chủ yếu là các cựu quan chức và tướng lĩnh thời đã đào tẩu sang phe nổi dậy ngay từ những ngày đầu cuộc nổi dậy chống Gaddafi. Thủ lĩnh của họ là Nguyên soái Khalifah Haftar, một tướng Libya đào tẩu sang Mỹ trong thập niên 80. Chính phủ này được các nước phương Tây, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất ủng hộ.
Tuy nhiên cho đến đầu năm nay, dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc, một chính phủ thống nhất đoàn kết dân tộc đã được thành lập và tiếp quản thủ đô Tripoli. Trái với mong đợi của cộng đồng quốc tế rằng điều này sẽ chấm dứt xung đột dai dẳng ở Libya, chính phủ thống nhất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía lực lượng tướng Haftar ở Benghazi khi ông từ chối công nhận chính quyền mới này, và cho rằng chỉ có chính quyên Benghazhi mới là chính phủ hợp hiến như trước đây.
Ngay cả ở Tripoli, chính phủ mới cũng vấp phải sự phản ứng từ phía các lực lượng Hồi giáo, sau khi chấp nhận trao lại quyền lực, phe Anh em Hồi giáo bất ngờ làm chính biến vào giữa tháng 10 và đến nay đã nắm trong tay một số trụ sở chính phủ ở thủ đô. Với những diễn biến này, trên thực tế ở Libya hiện tại tồn tại 3 chính quyền Trung ương: hai ở Tripoli và một ở Benghazi. Trong tình hình đó, nổi lên các nhóm vũ trang thánh chiến như Hội đồng Hồi giáo Benghazi gồm những nhóm có liên hệ với Al Qaeda và đặc biệt là IS, trở thành lực lượng thứ 4.
Dưới thời Gaddafi, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bị đặt ngoài vòng pháp luật, các phần tử thánh chiến trốn ra nước ngoài để chiến đấu ở Iraq và Afghanistan đều bị bắt giữ khi quay về nước. Các phong trào thánh chiến trong nước, mà nổi bật nhất là Nhóm kháng chiến Hồi giáo Libya (LIFG), một nhóm chân rết của Al Qaeda và nằm trong Danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế của Hoa Kỳ, bị chính quyền truy quét gắt gao. Khi nổ ra cuộc nội chiến năm 2011, rất nhiều thành viên LIFG được giải thoát khỏi các nhà tù và tham gia vào các nhóm nổi dậy, trở thành nòng cốt của nhiều nhóm trên khắp Libya.
IS cũng lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Libya, nhanh chóng chiếm được Sirte, quê hương của Gaddafi và biến nơi này thành sào huyệt của chúng ở Bắc Phi. Chiến dịch chống khủng bố được các nhóm vũ trang Misrata thực hiện đã gần như triệt tiêu hoàn toàn lực lượng IS ở Sirte, dồn chúng vào một góc nhỏ của thành phố này. Nhưng cho dù có giải phóng hoàn toàn Sirte, thì các chân rết của IS gồm hàng nghìn tay súng vẫn sẽ còn hoạt động khắp Libya.
Bên cạnh một nền chính trị hỗn loạn là một nền kinh tế khủng hoảng do hoạt động sản xuất, khai thác dầu bị ngưng trệ. Một cuộc khủng hoảng thiếu tiền mặt đang diễn ra, khiến người dân không được trả lương, giá cả nhu yếu phẩm thì tăng chóng mặt. Tình trạng tham nhũng diễn ra tràn lan. Đồng nội tệ dinar bị mất giá tới ba lần và ngày một trở nên vô giá trị.
Hệ thống y tế đang trên bờ vực đổ vỡ do hàng ngàn nhân viên y tế nước ngoài đã rời bỏ đất nước này. Các trường đại học tại khắp mạn Đông đất nước đã phải đóng cửa, và mất điện 9 tiếng mỗi ngày điều thường xuyên diễn ra ngay tại chính thủ đô Tripoli.
Thực tế phũ phàng của Libya hậu nội chiến đã khiến ngay cả những người 5 năm trước đứng lên lật đổ chính quyền Gaddafi giờ đây hối hận về hành động của mình. “Tôi đã tham gia cuộc cách mạng lật đôt Gaddafi vào những ngày đầu tiên”, một chiến binh nổi dậy 31 tuổi có tên Mohammed cho biết. “Trước năm 2011, tôi ghét Gaddafi hơn bất cứ ai. Nhưng giờ đây, cuộc sống trở nên khó khăn hơn rất nhiều, và tôi đã trở thành một người rất mực hâm mộ ông ấy”.
Salem, một sinh viên y khoa 26 tuổi đến từ Tripoli, cũng có chung cảm nhận về cuộc sống mới của mình. “Chúng tôi đã nghĩ rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn sau cuộc cách mạng, nhưng thực tế là chúng ngày một tồi tệ hơn. Nhiều người đã thiệt mạng trong 5 năm qua hơn trong suốt 42 năm ông Gaddafi cầm quyền. Những điều như thế này chẳng bao giờ xảy ra dưới thời ông Gaddafi,” Salem nói với sự tiếc nuối về một thời kỳ mà những người dân như anh “lúc nào cũng có tiền, có điện sinh hoạt, tuy lương không cao nhưng mua cái gì cũng rẻ”.
Đoạn kết một cuộc “cách mạng”
Sau 5 năm kết thúc nội chiến với chiến thắng thuộc về những người nổi dậy của cuộc chính biến Mùa xuân Arab, đất nước Libya đã không những trở nên dân chủ, tự do hơn mà lại còn loạn lạc, tan hoang cả về kinh tế lẫn chính trị. Quốc tế đã bất lực hoàn toàn trước tình cảnh rối ren của quốc gia Bắc Phi này. Nếu không có một giải pháp hòa bình hay một người có thể đứng ra hòa giải các phe phái như cố Tổng thống bị lật đổ Gaddafi thì người dân Libya sẽ còn tiếp tục sống trong mùi khói súng không biết đến bao giờ chấm dứt.
“Chúng ta đã có tất cả 7 chính phủ kể từ năm 2011 đến nay, và họ đã đạt được những gì?”, một người tài xế taxi có tên Mahmoud tự hỏi. “Thứ duy nhất chúng tôi nhìn thấy là những thùng rác mới. Một trong những chính phủ đó đã lắp đặt thùng rác mới trên khắp thành phố Tripoli. Chúng tôi vẫn thường chỉ chỏ vào chúng và trêu nhau rằng đó là thành quả duy nhất mà cuộc cách mạng lật đổ chính phủ đã đạt được”.
Nguồn: Lê Duy-Báo mới