Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cho biết kể từ đầu năm 2018, hơn 15.000 người di cư mắc kẹt tại Libya đã được đưa trở về quê hương thông qua chương trình tình nguyện.
Trong một thông báo đăng ngày 23/11 trên tài khoản Facebook, IOM nêu rõ với sự hỗ trợ Quỹ Ủy thác Liên minh châu Âu (EU), hơn 15.000 người di cư đã có thể quay trở về nhà tại 32 nước ở châu Phi và châu Á. IOM cũng đã đăng số đường dây nóng trên tài khoản Facebook và Twitter để hỗ trợ những người di cư đang bị mắc kẹt tại Libya có nguyện vọng muốn trở về quê hương.
IOM đã đẩy nhanh tiến trình này từ cuối năm ngoái, sau khi kênh truyền hình CNN phát sóng hình ảnh những người di cư bị bán như nô lệ. Thống kê cho thấy trong năm 2017, IOM đã hồi hương khoảng 20.000 người di cư thông qua chương trình này và hy vọng sẽ có 30.000 người có thể trở về nhà vào cuối năm nay.
Tình trạng ngược đãi, lạm dụng người di cư đang lan tràn tại Libya – quốc gia Bắc Phi vốn rơi vào bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011.
Các đối tượng buôn người đã lợi dụng tình trạng bất ổn tại Libya, đẩy những người di cư châu Phi có mong muốn tìm đường đến châu Phi rơi vào nguy hiểm lớn hơn. IOM đã cảnh báo tình hình “đáng báo động” về người di cư châu Phi bỏ mạng trên hành trình vượt biển tới châu Âu. Dù có may mắn được cứu sống trên biển, nhiều người di cư cũng đã phải sống trong các khu tị nạn với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt.
Theo thống kê của IOM cũng như số liệu của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, trong 10 tháng đầu năm, đã có tổng cộng 47.505 người di cư từ châu Phi tới nước này bằng đường biển, cao hơn con số 47.170 người đến đây trong 6 năm từ 2012-2017. Riêng tháng 10 vừa qua, có tới 10.042 người lợi dụng thời tiết thuận lợi để tới Tây Ban Nha trước khi mùa Đông đến. Hầu hết những người di cư liều lĩnh vượt biển từ Bắc Phi trên những con thuyền cao su ọp ẹp và chở quá tải. Ước tính ít nhất 564 người thiệt mạng hoặc mất tích trong những hành trình nguy hiểm này.