Sau gần 10 năm nội chiến, quốc gia Bắc Phi từng một thời thịnh vượng rơi vào hỗn loạn. Người dân Libya đang thực sự sống hay chỉ tồn tại trong một nền kinh tế chiến tranh đầy rẫy những rắc rối?
Tương lai vô định
Đến nay đã 7 năm kể từ khi cựu Tổng thống Gaddafi bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy đẫm máu và kinh hoàng, những người tham gia vào việc “xóa bỏ độc tài” vẫn chưa thể định hình được một chế độ chính trị – xã hội tại Libya.
Hồi năm ngoái, tạp chí Foreign Policy Journal đã đưa ra nhận định, nội chiến đã biến đất nước Libya thời hậu Gaddafi đã trở thành thiên đường cho những chiến binh Hồi giáo và là thị trường nô lệ của thế kỷ 21. Đất nước Libya vẫn đang bị xâu xé bởi xung đột phe phái, xã hội bất ổn và đầy rẫy bạo lực, người dân không có việc làm, cuộc sống thiếu thốn và phải rời bỏ quê hương đi tìm miền đất hứa.
Theo Báo cáo vừa công bố của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House), nền kinh tế chiến tranh của Libya vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng triển vọng phục hồi và đặc biệt là khả năng điều hành từ trung ương đối với nền kinh tế càng trở nên xa vời hơn.
Tháng trước, Báo cáo dài 38 trang mang tên: “Nền kinh tế chiến tranh Libya: Sự thuyết phục, lợi nhuận và sự yếu kém của Chính phủ” do chuyên gia Tim Eaton thực hiện kết luận rằng, Libya đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các ràng buộc chính trị, an ninh và khủng hoảng kinh tế. Tất cả những yếu tố đó đang làm suy yếu các thể chế nhà nước, làm tổn thương nền kinh tế và đang nuôi dưỡng sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các lực lượng nổi dậy hay các nhóm vũ trang đối lập.
Báo cáo phân tích thêm, khi cuộc chạy đua tranh giành quyền lực vẫn không ngừng gia tăng, sự bất đồng và rối loạn trong xã hội đã tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ một nền kinh tế chiến tranh phụ thuộc vào bạo lực.
Libya đã từng là nền kinh tế chiến tranh đầy nghị lực, năng động và kiên cường giữa những thăng trầm của cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua. Năm 2017, nền kinh tế Libya dù sa sút vẫn đạt được những tiến bộ đáng kể trên một số “mặt trận”, như tình trạng buôn bán người giảm mạnh, thu nhập từ dầu mỏ tăng gấp ba lần và cuộc chiến chống buôn lậu nhiên liệu ở các địa phương đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, sự năng động đó vẫn chưa đủ để chống lại “cỗ máy chiến tranh”, đã và đang song song hỗ trợ cho “nền kinh tế chiến tranh” ở đất nước này.
Nền kinh tế chiến tranh
Báo cáo nhận định, nền kinh tế chiến tranh của Libya đang gây thiệt hại cho chính tương lai của quốc gia này vì ba lý do:
Thứ nhất, nó đang tạo mô trường thuận lợi cho các mạng lưới, các nhóm vũ trang, các băng nhóm tội phạm, các đường dây tham nhũng duy trì hoạt động thông qua việc buôn lậu và cướp bóc. Các hoạt động đó được liên kết chặt chẽ với việc phát động bạo lực, từ đó, thúc đẩy xung đột hơn nữa.
Thứ hai, chính nền kinh tế chiến tranh kéo dài đã nuôi dưỡng các mầm mống đang thu lợi từ sự yếu kém trong quản lý nhà nước. Chỉ khi nào được quản trị hiệu quả và nền kinh tế đó được hỗ trợ bởi một nền chính trị bền vững, mới có thể giải quyết tận gốc các vấn đề trong nền kinh tế chiến tranh này. Nhưng hiện tại, đất nước này chưa thể phục hồi trở lại, cũng như chưa thể phát triển được một nền chính trị – xã hội đúng nghĩa, bởi lợi ích của những kẻ xúi giục kinh tế chiến tranh và những người được khuyến khích hành động như những kẻ phá hoại cải cách.
Thứ ba, các cuộc đua chính trị và những “tài nguyên béo bở“ đang trực tiếp “ăn mòn“ nền kinh tế chính thức của Libya, phá bỏ những gì thuộc về thể chế còn trụ lại. Nền kinh tế chiến tranh vẫn tồn tại, nhưng triển vọng phục hồi chức năng quản trị trung ương càng trở nên xa vời. Thực trạng này đe dọa tạo ra một vòng luẩn quẩn, đẩy đất nước vốn từng rất thịnh vượng này sụp đổ nhanh hơn.
Báo cáo “Nền kinh tế chiến tranh Libya“ phân tích, do khả năng ảnh hưởng và “làm chủ“ rất hạn chế của các thực thể nhà nước, kế hoạch của những kẻ xúi giục kinh tế chiến tranh gần như đã chiếm ưu thế. Họ đã thất bại. Bởi vậy, dựa trên những bài học từ những nỗ lực này, một chính sách thành công hơn là phải theo đuổi các biện pháp nhằm chống lại các cấu trúc cho phép nền kinh tế chiến tranh có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ, ngay khi có thể.
Trong đó, các nhà chức trách cần phải sử dụng hết quyền hạn để hạn chế sự ảnh hưởng của những kẻ trục lợi, làm suy yếu tính hợp pháp của chính quyền địa phương. Nhà nước phải tạo ra được các cơ hội, sinh kế cho người dân. Tiến bộ trong nền kinh tế – xã hội phụ thuộc một phần vào việc tạo ra các yếu tố tích cực, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế hợp pháp và hiệu quả hơn, giảm dần sự ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế bất hợp pháp.
Trong hoàn cảnh của Libya hiện nay, Báo cáo kết luận, cộng đồng quốc tế cũng có thể làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ những nỗ lực của đất nước này trong việc chống lại nền kinh tế chiến tranh; Hợp tác trong việc hạn chế các tài sản ở nước ngoài của các nhóm tội phạm; Hỗ trợ tăng tính minh bạch trong việc phân bổ các quỹ nhà nước và các biện pháp nhằm giảm khả năng tồn tại của các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, để có thể giúp củng cố vị thế của các cơ quan nhà nước.
Nguồn: Theo Libyaherald