100% đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường (96,7% tổng số đại biểu) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Theo Nghị quyết, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan tiến hành rà soát các dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Những kế hoạch thực hiện CPTPP phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại.
Ngoài ra, Chính phủ cũng phải đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Hiệp định CPTPP về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn thực thi 20 nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên còn lại trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, tại một hội thảo phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp về CPTPP diễn ra hồi tháng 5-2018 cho hay, các nước thành viên thống nhất, trong trường hợp Mỹ quay trở lại thỏa thuận này thì những nghĩa vụ “tạm hoãn” sẽ lập tức được khôi phục. Trong trường hợp Mỹ không quay lại thì sau một thời gian các nước sẽ xem xét liệu có áp dụng thêm điều khoản này nữa hay không.
Trong nhóm nghĩa vụ tạm hoãn, quan trọng nhất là nghĩa vụ liên quan tới bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thực tế, để bảo hộ quyền này phải có nguồn lực và nền kinh tế phải phát triển ở một mức độ nhất định.
Ngoài ra, nghĩa vụ tạm hoãn quan trọng khác còn liên quan tới khả năng nhà đầu tư kiện Chính phủ ra cơ quan giải quyết tranh chấp mang tính trọng tài quốc tế.
Cũng tại hội thảo trên, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài Chính cho hay, theo cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế với 100% mặt hàng, không loại trừ mặt hàng nào.
Theo lộ trình, năm đầu tiên kể từ khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế của hơn 65% mặt hàng xuống 0%, chiếm khoảng 2/3 số mặt hàng đang có trong biểu thuế. Tiếp đến, con số này sẽ tăng lên 86,5% vào năm thứ 4 sau khi CPTPP có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm dài hơn, ví dụ như dược phẩm có lộ trình lên tới 16 năm.
Trong khi đó, các nước cam kết lộ trình xóa bỏ thuế quan nhanh hơn Việt Nam. Đa phần các nước cam kết giảm thuế của 80% đến hơn 90% mặt hàng xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất sáu nước ký kết hoặc ít nhất 50 % số nước ký kết của Hiệp định thông báo với Cơ quan lưu chiểu (New Zealand) bằng văn bản về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Các thỏa thuận song phương cũng sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định CPTPP có hiệu lực.