Việc kháng thuốc kháng sinh đã trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người khi đang gia tăng mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng điều trị các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu nhiều tiến bộ trong sức khỏe và thuốc điều trị.
Năm 2016, thế giới đã có 490.000 người mắc lao đa kháng thuốc và kháng thuốc đang làm phức tạp cuộc chiến chống HIV và sốt rét. Dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng thuốc trên thế giới toàn cầu lên tới 100.000 tỷ USD và gây thêm 10 triệu ca tử vong/năm. Đứng trước khả năng các nước không có thuốc để điều trị hiệu quả bệnh nhiễm trùng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước khẩn cấp đối phó với tình trạng kháng thuốc: “Không hành động ngày hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”.
Tại buổi mít tinh “Tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng sinh” tổ chức tại trường Đại học Y Hà Nội ngày 13-11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết hậu quả của việc kháng thuốc là kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị. Kháng thuốc đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép tạng, hóa trị và phẫu thuật trở nên nguy hiểm nếu không có thuốc kháng sinh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tình trạng kháng thuốc kháng sinh do nhiều nguyên nhân: Nhà thuốc bán thuốc không theo đơn do bác sĩ kê; người dân sử dụng kháng sinh mà không quan tâm liều lượng, thời gian. Vì thế, người dân khi sử dụng kháng sinh phải có sự khám bệnh, tư vấn của bác sỹ và sử dụng đúng liều, đủ thời gian.
Các bác sĩ phải kê đơn, thăm khám người bệnh phải cân nhắc, sử dụng loại thuốc đảm bảo chất lượng. Các nhà thuốc phải bán thuốc kháng sinh theo đơn. Cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng hiện việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cũng tràn lan nên Bộ Y tế kêu gọi mọi người sử dụng đúng, cần thiết. Người dân cần tăng cường tiêm phòng, miễn dịch cho vật nuôi thì mới phòng ngừa được bệnh và hạn chế tình trạng lạm dụng kháng thuốc.
Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho biết tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam cao trên 80% là do người dân lạm dụng thuốc, sử dụng không đúng cách, do bác sĩ kê đơn không cần thiết, cũng như vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. WHO cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong phòng chống kháng thuốc.
Theo ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu thông qua Kế hoạch hành động Quốc gia về kháng thuốc (AMR). Kháng thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi. Việc sử dụng kháng sinh không đúng ở người và động vật đang đẩy nhanh quá trình kháng thuốc kháng sinh, dẫn đến các bệnh nhiễm trùng điều trị khó hơn hoặc kém hiệu quả, thời gian nằm viện kéo dài hơn, chi phí y tế cao hơn và tỷ lệ tử vong gia tăng.
Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh, Bộ Y tế kêu gọi người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sỹ kê đơn; không yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng; luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa.