Giữa những hối hả của một cuộc sống xa lạ, với sự bồng bột, xốc nổi, nhạy cảm trước cô đơn không ít du học sinh trầm cảm, thậm chí có ý định giải thoát do áp lực tâm lý, khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, môi trường sống.
Có phải chăng cuộc sống du học sinh thật sự như “cái mác” hay định kiến đẹp đẽ mà xã hội gắn cho nó? Để đạt được kỳ vọng, khao khát khẳng định mình, bản thân họ phải trải qua biết bao thăng trầm, đớn đau ít ai hiểu được, những “cuộc chiến nội tâm” dằn vặt trên con đường vốn dĩ không hề dễ dàng.
Ngọn nguồn của những cảm xúc tiêu cực dồn dập dần đến sự lãnh cảm với cuộc đời
1. Rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa
Khó khăn trong việc giao tiếp, nghe hiểu ở môi trường bản địa khiến du học sinh dù đã nắm vững ngoại ngữ, giao tiếp tốt vẫn bị “choáng ngợp”. Đặc biệt trong giảng đường, các kiến thức mang tính chuyên môn cao với những từ ngữ chưa từng quen mặt, giảng viên “nói nhanh như gió” trở thành một nỗi ám ảnh với nhiều người. Bạn không những chạy ngoại ngữ mà còn phải chạy trong kiến thức, một hành trình dài gấp đôi đòi hỏi những nỗ lực gấp đôi bình thường. Nhiều bạn du học sinh tâm sự dù đã cố gắng hết mức, nhưng vẫn không thể nào theo kịp tiến độ chương trình mà giảng viên dạy, không thể hiểu thầy cô nói gì, cũng không truyền đạt được suy nghĩ của mình với người khác. Đặc biệt, các giảng viên sẽ không vì sự yếu kém ngoại ngữ của bạn mà cho bạn sự ưu tiên, hay chậm lại một nhịp để bạn đuổi theo. Những khó khăn trong giao tiếp khiến hình thành tâm lý tự ti trốn tránh, không dám tiếp xúc không dám giao tiếp, tự khép kín mình.
Bên cạnh đó, những khác biệt về văn hóa cũng gây nên shock tâm lý, những mâu thuẫn trong đời sống du học sinh. Vốn dĩ, mỗi quốc gia có một nền văn hóa khác nhau, cho dù hôm nay đã là thời đại toàn cầu hóa, bạn có thể hiểu về một nền văn hóa những việc đó không đồng nghĩa là bạn có thể sống trong nó một cách dễ dàng. Khác biệt nằm cạnh những cái tôi khiến mâu thuẫn nảy sinh và leo thang. Chưa nói đến du học sinh là những bạn trẻ chưa bước ra đời, họ quá non nớt trong cách giải quyết các mối quan hệ, chưa trưởng thành trong nội tâm chính mình, nhiều bạn được gia đình yêu thương chiều chuộng, làm “hoàng tử và công chúa” ở quê nhà. Vì vậy càng khó khăn hơn để họ điều chỉnh cảm xúc chính mình.
>> Bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Học cách hòa nhập văn hóa Mỹ
2. Chương trình học nặng nề
Dù với bất kì ngành học nào, lượng kiến thức trong chương trình cũng rất khổng lồ,chuyên môn cao và đa dạng. Chưa nói đến mỗi trường đại học đòi hỏi những mức điểm số riêng dành cho sinh viên du học. Bài kiểm tra quá nhiều, liên tục, áp lực điểm số và khó khăn của quá trình nạp kiến thức vào đầu. Các bạn phải thức nhiều đêm liên tục để học, chuẩn bị bài, sao cho kịp với chương trình phổ biến, chưa nói đến là phải duy trì điểm cao đạt học bổng. Việc học tạo nên một sức ép nặng nề lên tinh thần, nhưng càng học lại càng cảm thấy bản thân mông lung, tiêu cực hơn trong suy nghĩ, bỏ quên đi cảm xúc của bản thân và những giá trị to lớn khác của việc đi du học. Dán trên bàn học 24/7 giúp cho nhiều bạn điểm cao nhưng cũng dẫn khiến các bạn trở nên tiêu cực hơn, đánh mất thú vui vào những hoạt động ngoài trời. Rất nhiều du học sinh Việt đến gặp bác sĩ tâm lý tư vấn vì sợ hãi và xấu hổ với bạn bè vì sự tuột dốc so với trước đây, hay cảm giác tự ti so với thành công của nhiều bạn cùng du học của mình trên con đường học tập.
3. Áp lực kinh tế
Khi đi du học đồng nghĩa với việc bố mẹ bạn sẽ phải bỏ một khoảng đầu tư rất lớn vào giáo dục và tương lai của bạn. Đối với nhiều người gia đình có đầy đủ khả năng thì áp lực này sẽ nhẹ nhàng hơn đôi chút, nhưng đối với những bạn gia đình có phần hơi khó khăn thì chỉ riêng khoảng tiền học phí đã là một gánh nặng vô cùng to lớn. Dẫu biết rằng chi phí du học Mỹ khoảng bao nhiêu? luôn là câu hỏi của đa phần du học sinh và phụ huynh, chi phí này thay đổi hằng năm, còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện sống. Bạn với ý thức độc lập của mình sẽ luôn cảm thấy bản thân mình trở thành một cục nợ của gia đình, mọi khó khăn, trở ngại của bố mẹ, anh chị em về tài chính bạn sẽ quy về là lỗi của chính bản thân mình. Rồi lại hoang mang so sánh liệu những thành quả ở đây, đất nước bạn đang du học, có thật sự xứng đáng với mồ hôi, nước mắt, tiền bạc mà bố mẹ đã bỏ ra? Liệu tương lai của bạn có đủ khả năng để đền đáp được cho bố mẹ tất cả những hy sinh của hôm nay? Rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu bạn, khi bạn ăn, uống, học, nghỉ chơi hay vui chơi. Ngay cả khi bạn đã đặt lưng nằm trên chiếc giường, những suy nghĩ về gia đình, cơm áo, gạo tiền vẫn sẽ không thôi day dứt. Phải làm sao để duy trì học bổng? Mình học như thế này là mất chắc rồi. Không có học bổng thì mình biết làm sao đây? Tất cả cầu hỏi khiến du học sinh trở nên mất đi động lực vui sống mà quay cuồng trong lo lắng, dần dần chán nản với thực tại, bế tắc muốn tìm lối thoát nhưng lại nghĩ về cả tỷ đồng bố mẹ bỏ ra cho mình.
4. Kỳ vọng của bản thân, gia đình và định kiến hoa mỹ về du học
Đi du học hẳn là oai lắm, sướng lắm. Đó là định kiến của nhiều người dành cho việc du học. Nhiều người sẽ nghĩ du học sinh là những người vượt trội, xuất sắc hơn người khác một tầm, nhưng điều này không phải luôn đúng. Hào quang của những du học sinh vượt xa khỏi biên giới quê hương để mưu cầu học thức khi về nước các dịp lễ tết khiến cho họ nghĩ như thế, nhưng họ không biết rằng ở bên khung trời xa xôi đó, những bạn trẻ này đã trải qua những gì, đã rơi bao nhiêu giọt nước mắt. Có thể sẽ không bao giờ đong đếm được vì những giọt nước mắt ấy nặng bằng cả tương lai, nặng bằng tất cả kỳ vọng và yêu thương mà gia đình họ giành trao. Những hình ảnh rạng ngời ấy có thể vài tuần trước còn đang khóc vì lo rớt học bổng, lo điểm không đủ qua môn, nụ cười hạnh phúc ấy có thể hôm qua còn đọng trên môi giọt nước mắt. Xã hội càng đặt giá trị của họ lên càng cao thì càng cảm thấy áp lực và xấu hổ khi bản thân không được như những gì người khác nghĩ.
Đặc biệt nhất chính là gánh nặng mang tên kỳ vọng của gia đình. Như đã nói ở trên, chắc hẳn gia đình bạn phải yêu thương, tin tưởng và mong đợi ở bạn rất nhiều khi bạn đi du học. Không chỉ về mặt tài chính bằng cách đầu tư số tiền gấp trăm lần chi phí học ở Việt Nam cho bạn một tương lai rộng mở hơn, mà còn nằm ở những đêm cha mẹ thức trắng lo cho bài thi sáng bây giờ của bạn như thế nào, là những giọt nước mắt vì lo, xót con, là vết chai trên đôi bàn tay lao động kiếm học phí cho bạn.
Liệu bạn không may thất bại thì bạn phải đối mặt với mọi thứ như thế nào? Đây là những câu hỏi gây áp lực lớn nhất. Đến sự giải thoát bằng cách chết đi bạn còn không có quyền làm vậy với bản thân mình, vì cuộc sống của bạn còn liên quan đến rất nhiều người, đặc biệt là những người bạn yêu thương nhất.
Ngoài 4 yếu tố trên thì còn nỗi nhớ quê hương, nếu bạn đã từng lo lắng là mình sẽ khóc lóc mỗi đêm vì nhớ nhà nếu phải đi du học ở một đất nước xa xôi như Mỹ, thì bạn… đúng một phần rồi đấy. Đó là cảm giác khi bước chân sang một đất nước mới mà bất cứ bạn du học sinh nào cũng phải trải qua. Nhưng điều đó cũng không quá bận tâm sau khi có nhiều mối quan hệ và lời khuyên của những người đi trước: “Em cũng không cảm thấy nhớ nhà lắm, vì hiện nay có nhiều phần mềm hiện đại, em có thể gọi điện về nhà mỗi ngày, nói chung em thấy mọi chuyện khá ổn…” Đó là chia sẻ của bạn Minh Anh, du học sinh của USIS Education. Xem đầy đủ qua clip này: https://www.youtube.com/watch?v=D1RGADli_oY
Để tránh trầm cảm cần có sự chuẩn bị, thoát khỏi nó cần sự mạnh mẽ
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về vấn đề này, những khuyến cáo được đưa ra với người đi du học hay sống ở nước ngoài là giải pháp đầu tiên cần sự chuẩn bị kỹ càng về tâm lý và kiến thức. Bước đầu là về văn hóa, cách giao tiếp, cách sống. Cần phải biết được vị trí của bản thân mình và xác định trước những điều phải đổi mặt để không bị động và sốc khi gặp phải những vấn đề xa lạ. Môi trường đại học đã khắc nghiệt, môi trường du học càng khắc nghiệt hơn, nạn phân biệt chủng tộc, sự cám dỗ, các mối quan hệ tiêu cực phức tạp, bạn sẽ phải đối mặt với tất cả. Một cách cô đơn và gánh trên vai biết bao kỳ vọng. Bạn phải biết cách thay đổi những điều không còn phù hợp ở chính mình để hòa nhập và vượt qua mọi thứ một cách sáng suốt nhất, trưởng thành trong đối nhân xử thế, trong các mối quan hệ, nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình nhưng vẫn phải chừa đâu đó một không gian để thở, để giao tiếp và để vui vẻ.
Bên cạnh đó cần nêu cao sự san sẻ động viên trong gia đình, để tránh du học sinh có những suy nghĩ dại dột, càng ngày càng quanh quẩn trong nỗi cô đơn nơi đất khách, nhất là giai đoạn đầu mới tiếp xúc môi trường mới. Vì chỉ cần những lời nói vô tâm không hàm ý cũng đủ khiến các bạn vốn đang rất nhạy cảm trở nên suy sụp
>> Xem thêm tổng hợp những chia sẻ của du học sinh tại Mỹ qua link này: https://usis-education.us/cam-nhan
Nếu lỡ vướng vào trầm cảm, ngoài mạnh mẽ ra bạn không còn lựa chọn nào khác. Hãy cho bản thân mình một cơ hội để sống nhẹ nhàng và nhìn vào những điều tích cực của cuộc sống du học. Quay lưng nhìn lại một quá khác đã nhiệt huyết ra sao và lý do bạn bắt đầu. Tương lai là điều gì đó xa vời, đừng quá lo lắng cho nó mà mất đi hiện tại ngày hôm nay, hãy sống có trách nhiệm với bản thân và học cách tìm niềm vui cho bản thân mình. Vốn dĩ cuộc sống có rất nhiều lăng kính để nhìn, tại sao không chọn một lăng kính tích cực. Dẫu ra sao đi nữa, chí ít hôm nay bạn cũng đã cố gắng hết mình.
Nguồn: medium.com/@usiseducation/