Chính phủ Libya mới đây đã công bố thành lập khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới tại khu vực được coi là chiếc nôi văn hóa của Libya. Dự án khi hoàn thành sẽ mang lại nguồn lợi lớn không chỉ về mặt văn hóa mà còn thúc đẩy ngành du lịch của quốc gia Bắc Phi này phát triển.
Với diện tích phần lớn là sa mạc (hơn 90%), Libya từ lâu đã rất muốn thành lập một khu bảo tồn tự nhiên lớn, nơi lưu giữ nhiều giá trị khảo cổ nhằm chống lại sự xâm phạm của các nhân tố bên ngoài trong quá trình đô thị hóa. Để đáp ứng tham vọng trên, Chính phủ Libya sẽ triển khai dự án phát triển bền vững một khu bảo tồn thiên nhiên được đánh giá có quy mô lớn nhất thế giới tại khu vực miền núi Djebal Al-Akhdhar (Núi Xanh), cách Thủ đô Tripoli 1.200km. Dự án văn hóa- sinh thái này bao gồm một khu vực có diện tích gần bằng Xứ Wales, do Seif al-Islam Kadhafi- con trai của Tổng thống Libya Moamer Kadhafi đứng đầu.
Do thiếu sự quan tâm thỏa đáng, cộng với các trận cháy rừng xảy ra liên tục và tình trạng đô thị hóa đã phá hủy phần lớn diện tích các khu rừng nguyên sinh của vùng này. Hiện diện tích rừng tại đây chỉ còn lại khoảng 180.000ha, so với 500.000ha cách nay 20 năm. Đây được coi là một quyết định táo bạo, tốn kém nhưng đúng đắn và kịp thời nhằm giữ gìn và bảo vệ những giá trị đặc sắc về văn hóa, lịch sử, tinh thần; Đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người Libya với thế giới. Khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích khoảng 5.000km2, chạy dài dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Vùng đất trung tâm của khu vực cũng chính là một di sản văn hóa được UNESCO công nhận, nơi chứa đựng nhiều di vật của nền văn hóa cổ. Theo ông Seif al-Islam Kadhafi: “Dự án không chỉ có giá trị đối với người Libya mà còn cho cả loài người”.
Joseph Stanislaw, Chủ tịch hãng tư vấn Stanislaw nhận xét, dự án độc đáo về quy mô, độ lớn và cả góc độ tiếp cận. Dự án do kiến trúc sư nổi tiếng người Anh Norman Foster đảm nhiệm. Norman Foster là tác giả của những dự án nổi tiếng toàn cầu như: Dự án xây dựng sân bay Bắc Kinh; Khu bảo tồn Millau Viaduct tại Pháp; Dự án tu bổ lại khu vực Reichstag ở Berlin, Đức. Theo Fosster, dự án là một trong những nơi có cảnh quan đẹp nhất nhưng ít được biết đến nhất trên thế giới. Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết sẽ giúp Libya xây dựng lại và trùng tu những thành phố cổ xưa, nơi tổ tiên của người Libya sống. Chính phủ Libya cũng đã thành lập một Cơ quan chuyên trách bảo tồn và phát triển khu vực Núi Xanh, bao gồm các kỹ sư, các nhà khảo cổ học, các chuyên gia về môi trường và phát triển bền vững.
Không chỉ mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của Libya, khi hoàn thành khu bảo tồn sẽ mở ra một viễn cảnh tươi sáng cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực tại đây, đặc biệt là du lịch sinh thái, các khu bảo tồn động thực vật quý hiếm, các dự án phát triển công nghiệp sạch và năng lượng tái sinh. Đây là mô hình mà những quốc gia đi trước đã gặt hái nhiều thành công.
(Nguồn: http://www.daibieunhandan.vn)