Libya là một trong những quốc gia nóng và khô nhất trên thế giới, tuy nhiên ở giữa sa mạc của Libya bạn có thể tìm thấy không ít ốc đảo.
Libya, là một quốc gia tại Bắc Phi. Nước này có biên giới giáp với Địa Trung Hải ở phía Bắc, Ai Cập ở phía Đông, Sudan ở phía Đông Nam, Tchad và Niger ở phía Nam, Algérie và Tunisia ở phía Tây. Libya là nước lớn thứ tư ở Châu Phi và đứng thứ 17 trên thế giới.
Libya là một trong những quốc gia nóng và khô nhất trên thế giới, tuy nhiên ở giữa sa mạc của Libya bạn có thể tìm thấy không ít ốc đảo.
90% diện tích Libya là sa mạc nhưng đất đai lại hết sức màu mỡ, nhất là phía Bắc, giáp biển Địa Trung Hải. Đa phần người dân Libya sống ở khu vực này bởi càng đi xuống phía Nam, khí hậu càng khô cằn hơn. Ấy vậy mà ở đó lại có những ốc đảo tuyệt đẹp và thu hút không ít khách du lịch.
Dãy hồ Ubari là một phần của ốc đảo Erg Awbari nằm bên trong sa mạc Sahara. Tọa lạc gần Fezzan và cách khoảng 30km về phía bắc Germa – Libya. Các hồ nước muối này được coi là trung tâm kinh doanh, buôn bán, là điểm đến của nhiều người dân địa phương, những người tập hợp tại rìa của hồ để bán đồ lưu niệm và các hàng hóa cho khách du lịch.
Umm Al-Maa, có nghĩa là mẹ của nước, là một trong những hồ lớn nhất trong ốc đảo, nhưng tiếc là, như tất cả các hồ khác, nước ở đây quá thấp và đang có nguy cơ bị khô cạn. Cũng như các nguồn nước đang bị làm ô nhiễm, lượng muối trong hồ giờ đã ở mức tương đương với Biển Chết.
Các nhà khoa học ngày này đã phát hiện ra nhiều bằng chứng về một sa mạc Sahara khí hậu ôn đới hài hòa, màu mỡ với những con sông uốn khúc thơ mộng.
12.000 năm trước, người cổ đại đã chạm khắc những bức tranh trên vách đá và động vật trong đó có cả hà mã, cá sấu và rất nhiều loài lưỡng cư khác.
Các ốc đảo ngày một cạn hơn, và mặn hơn rất nhiều. Thậm chí có những hồ có nước màu ửng đỏ. Đó là sự xuất hiện của loài tảo đỏ có khả nặng chịu mặn cao. Ngoài ra có những hồ du khách có thể nổi lềnh bềnh trên mặt nước giống như ở biển Chết.
Những loài thực vật xanh mởn tồn tại quanh hồ, giữa vùng sa mạc toàn cát và gió là nhờ khả năng thích nghi cao. Chúng có thể nảy mầm từ những hạt do gió mang đến, hoặc có thể là những người dân địa phương trồng. Tuy nhiên, dù là cây cao hay cây bụi, chúng đều có rễ cắm rất sâu xuống lòng đất để hút nước giúp cho việc phát triển và tồn tại.
Khách lữ hành và người dân ở đây cũng áp dụng cách như vậy để lấy nước. Họ đào những giếng rất sâu để tìm thấy những mạch nước ngầm.
Dù nằm ở giữa sa mạc khô cằn, nhưng có những hồ đạt tới độ sâu từ 7 đến 32 mét. Nhờ đó mà chúng vẫn duy trì được lượng nước cần thiết trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, dãy hồ Ubari này hiện vẫn phải đối mặt với thực tế phũ phàng rằng mực nước ngày một giảm đi do khí hậu ngày một khắc nghiệt hơn.
Có một vài khu vực ở phía Nam Libya không có một giọt mưa nào trong suốt 1 thập kỷ qua. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng nước gia tăng của con người và tương lai nước hồ sẽ cạn khô là điều có thể dự đoán trước.
(Nguồn: kenh14.vn)