Saint-Gobain đang tập trung đầu tư vào các nước đang phát triển như Việt Nam.
Trên thế giới, rất ít thương hiệu có lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Ở Việt Nam, những thương hiệu có lịch sử trên dưới một trăm năm phải kể đến Cảng Sài Gòn (1863), Cảng Hải Phòng (1876), Sabeco (1875) và bia Larue (1904). Để có thể tồn tại và mạnh mẽ đến bây giờ, các thương hiệu hẳn đã trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố.
Nhân dịp kỷ niệm 350 năm ngày thành lập Tập đoàn Saint-Gobain (Pháp), ông Javier Gimeno – Tổng đại diện Saint-Gobain tại Châu Á Thái Bình Dương – đã có cuộc chia sẻ bí quyết xây dựng thương hiệu trường tồn suốt 350 năm qua của Saint-Gobain.
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp phải được giữ gìn
Theo ông Javier, giá trị cốt lõi chính là xương sống của một doanh nghiệp. Tại Saint-Gobain, giá trị cốt lõi được giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong đó, tài năng con người được xem là vô tận và là giá trị vô giá. Đầu tư vào con người là cách đầu tư thông minh và bền vững nhất. Vì con người là tải sản lớn nhất của doanh nghiệp. Hiện Saint-Gobain có khoảng 180.000 nhân viên trên 64 quốc gia khác nhau.
Giữ gìn và phát huy truyền thống sáng tạo
Giữ gìn và phát huy truyền thống sáng tạo là để thích ứng với mọi diễn biến và đón đầu những thay đổi mang tính quyết định. Truyền thống sáng tạo đã được phát huy liên tục kể từ lúc công ty vừa mới thành lập. Chính sự sáng tạo đã giúp Saint-Gobain thích ứng với những cuộc cách mạng liên tục trong ngành công nghiệp bằng cách phát minh ra quy trình sản xuất nhanh hơn, có hiệu quả hơn và mới mẻ hơn. Ví dụ, năm 1894, máy bán tự động được Saint-Gobain phát minh trong khâu thổi thủy tinh, giúp bảo vệ sức khỏe của nhân công. Năm 1945, Saint-Gobain tạo ra các loại đĩa thủy tinh không vỡ dưới nhãn hiệu Duralex… Gần đây, năm 2005, Saint-Gobain là đơn vị cung cấp kính buồng lái siêu cường lực cho Airbus A380. Năm 2012, Saint-Gobain góp phần vào lịch sử khám phá vũ trụ thông qua việc cung cấp vòng bi sử dụng cho cánh tay Robot Curiosity trong hành trình đổ bộ thành công lên sao Hỏa của NASA.
Hàng năm, Saint-Gobain công bố khoảng trên dưới 400 phát minh khác nhau, chủ yếu là các phát minh trong quá trình sản xuất. Với những thành quả đó, hãng Thomson Reuters đã bình chọn Saint-Gobain 4 năm liên tiếp (từ 2010) là một trong những tập đoàn sáng tạo nhất thế giới (Top 100 Global Innovators).
Sáp nhập để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn
Khởi đầu là một xưởng kính do vua Louis XIV nước Pháp thành lập năm 1665, sau 350 năm với bao thăng trầm biến cố của chiến tranh và thời cuộc, Saint-Gobain vẫn tồn tại mạnh mẽ, trở thành một tập đoàn đa ngành có doanh thu mỗi năm lên tới 41 tỷ Euro. Những cuộc sáp nhập đã phần nào giúp Saint-Gobain thoát khỏi khủng hoảng, đem lại sự ổn định và phát triển bền vững. Năm 1970, sát nhập với Pont-À-Mousson khi tập đoàn lâm vào tình thế khó khăn về tài chính. Năm 2005, Saint-Gobain mua lại tập đoàn thạch cao lớn nhất thế giới British Gypsum (BPB). Mới đây nhất, Ủy ban Châu Âu đã đồng ý cho Saint-Gobain mua quyền sở hữu Sika – tập đoàn số 1 thế giới về phụ gia xây dựng..
Việt Nam là một thị trường ưu tiên của Saint-Gobain khi đóng góp doanh thu lớn thứ 6 cho riêng ngành thạch cao của Saint-Gobain và chiếm tới 25% tổng doanh thu của khu vực Đông Nam Á. Ngoài thạch cao, Saint-Gobain đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất keo dán gạch và vữa chuyên dụng mang thương hiệu Weber, nhà máy sản xuất tấm xi măng với thương hiệu Duraflex đưa tổng số nhà máy của Saint-Gobain tại Việt Nam lên con số 7.