Kỹ thuật SEO mà không cần backlinks được tìm kiếm nhiều không kém gì các kỹ thuật SEO khác. Vậy những yêu cầu cần có cho kỹ thuật này là gì và làm thế nào để xây dựng internal link cho một web chuẩn SEO?
Khi tìm hiểu về SEO ở thời điểm hiện tại, bạn sẽ nghe rất nhiều lần cụm từ: Kỹ thuật SEO không cần backlinks. (Backlink ở đây là link từ những nơi khác trỏ về). Đặc biệt điều này sẽ xảy ra dễ dàng ở những ngách ít cạnh tranh hoặc những từ khóa có độ cạnh tranh không cao. Trường hợp này không xảy ra với số đông, nên nhiều người sẽ cho rằng SEO mà không backlinks là không thực tế.
Trong thực tế, với 1 nội dung hay, trải nghiệm người dùng tốt & cách sắp xếp internal link hợp lý, bạn sẽ lên rất nhiều từ khóa mà không cần xây dựng link. Hoặc backlinks sẽ tự có theo 1 cách rất tự nhiên: Người dùng tự chia sẻ bài viết của bạn đi nhiều nơi. Liên kết nội bộ (Internal link) có vai trò và sức ảnh hưởng không hề nhỏ trong SEO mũ trắng.
Những điều này giúp Google đánh giá website của bạn thực sự chất lượng và xếp thứ hạng cao. Trong bài viết này mình sẽ đưa ra khái niệm cùng với hướng dẫn bạn về cách đặt link nội bộ như thế nào cho hiệu quả.
Liên kết nội bộ (internal link) là gì?
Link nội bộ được xem là những đường dẫn trỏ đến một 1 trang khác trên cùng 1 trang web (có nghĩa là cùng domain chính). Một số liên kết nội bộ phổ biết mà bạn có thể thấy đó là:
- Link từ trang chủ đến các danh mục, bài viết
- Link từ danh mục đến các bài viết
- Link từ bài viết này đến bài viết kia
- Link từ menu, footer
- Link dạng banner đặt trên website
Nếu xem website của bạn như một ngôi nhà, các cấu trúc của ngôi nhà đó phải bền vững & có sự sắp xếp hợp lý thì trải nghiệm ở ngôi nhà đó mới thoải mái. Tương tự, đối với website, liên kết nội bộ của site phải được tối ưu hóa thì mới tác động đến kết quả SEO của bạn. Đặc biệt với độ cạnh tranh ngày càng gia tăng, thì công việc tối ưu liên kết nội bộ sẽ như là 1 công việc bắt buộc.
Tầm quan trọng của liên kết nội bộ
Nếu việc tìm ngách và nghiên cứu bộ từ khóa đúng từ đầu sẽ giúp website bạn có kế hoạch phát triển đúng đắn thì việc xây dựng liên kết nội bộ sẽ giúp cải thiện chất lượng website, tăng trải nghiệm người dùng, tác động trực tiếp đến thứ hạng từ khóa.
Khi bạn có kế hoạch xây dựng link nội bộ, cấu trúc website sẽ được tối ưu, giúp các nội dung trên website của bạn liên kết chặt chẽ hơn, tăng độ trust và rõ ràng về chủ đề của web trong mắt của bọ tìm kiếm Google.
Khi các nội dung trên cùng 1 website có sự liên kết dẫn dắt rõ ràng và logic thông qua các Anchor Text được chèn link phù hợp, độ uy tín của tên miền (Domain Authority) và sức mạnh của những trang trong web (Page Authority) sẽ tăng theo tỉ lệ thuận.
Lưu ý trước khi xây dựng liên kết nội bộ
Hình dung được cấu trúc website (các trang trên site: trang chủ, các trang danh mục category..): Hình dung trong đầu thôi là đủ. Phổ biến sẽ là trang chủ => các danh mục => các bài viết.
Xác định nội dung chủ đạo cho website: Thường là các nội dung sinh ra tiền hoặc nội dung kéo được 1 lượng lớn traffic. Đây là những trang bạn nên dồn link nội bộ về.
Theo dõi link nội bộ thông qua Search Console: Đối với website đã có lượng content nhất định sau một thời gian xây dựng. Nếu có thời gian hãy xem các dữ liệu từ Search Console để biết được kết quả xây dựng liên kết nội bộ đã làm diễn ra như thế nào.
Sau đây là những kinh nghiệm về xây dựng link nội bộ mình có được trong quá trình thực hành SEO cho nhiều website và có kết quả khá tốt, hi vọng nó sẽ có ích cho bạn.
1. Nội dung chất lượng xoay quanh nội dung chính
Nội dung “chất lượng” & nội dung “chính” là khác nhau nhé:
- Nội dung “chất lượng”: Là các nội dung giải quyết nhu cầu của độc giả 1 cách triệt để. Trang web của bạn càng nhiều nội dung chất lượng càng tốt.
- Nội dung “chính”: Những nội dung sinh ra tiền hoặc có nhiều lượng tìm kiếm.
Việc bạn xây dựng nội dung chất lượng, có liên quan tới nội dung chính có nghĩa bạn sẽ đồn sức mạnh vào nội dung chính đó.
Ví dụ bạn SEO cho trang web bán thuốc giảm cân, nội dung chính ở đây là “hướng dẫn giảm cân”. Thì ngoài nội dung cho từ khóa này, bạn cần xây dựng các bài viết khác xoay quanh nó, có thể là:
- Hướng dẫn giảm cân bằng đậu đen
- Thời trang quần áo cho người béo
- Giảm cân bằng khoai lang và trứng
Và ở những bài viết xoay quanh này, bạn hãy tìm nơi hợp lý nhất để trỏ liên kết nội bộ về bài viết “hướng dẫn giảm cân” như:
- Ở ngay trên menu
- Ngay đầu bài viết.
- Trong nội dung, chỗ nào có độ liên quan mà bạn nghĩ người dùng có thể click nhiều nhất
- Ở dưới bài viết, ngay sau khi độc giả đọc xong
- Ở mục bài viết liên quan
Một vài lưu ý khi đổ liên kết nội kiểu này:
- Luôn đa dạng hóa anchor text
- Đặt link nội bộ ở vị trí càng liên quan càng tốt, để tỉ lệ click vào link càng nhiều thì xem như việc đặt link đó càng hiệu quả,
- Footer cũng là 1 nơi có thể đặt link nội bộ những nội dung quan trọng.
- Liên kết nội bộ cũng có thể là các banner
Nếu website bạn là website bán hàng, dịch vụ,…bên cạnh paid traffic hãy ưu tiên lên kế hoạch xây dựng chuyên mục blog với chiến lược phát triển nội dung cho những sản phẩm, dịch vụ liên quan. Từ đó dẫn liên kết nội bộ về những sản phẩm best seller, trending tạo ra doanh thu nhanh chóng.
Hãy trao giá trị cho khách hàng của bạn, về những chủ đề liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà bạn kinh doanh. Về ngắn hạn, nó giúp tương tác & gây ấn tượng với khách hàng. Về dài hạn, giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như xây cho bạn một nguồn free traffic quý giá.
2. Đa dạng hóa Anchor Text
Anchor text là những dòng chữ chứa đường link được trỏ. Google đánh giá cao sự tự nhiên khi bạn tối ưu bất cứ thứ gì, & Anchor Text sẽ không ngoại lệ. Bạn nên đa dạng hóa nó, không phải lúc nào anchor text cũng là từ khóa cần SEO. Nhưng anchor text phải liên quan tới nội dung của trang cần trỏ link, nhiều khi nó chỉ cần là đường link trần, hoặc bằng hình ảnh.
Ví dụ bạn đang SEO từ khóa “visa định cư Úc”, bạn có thể đa dạng hóa anchor text như sau, anchor text mình sẽ đặt trong dấu […]
- Bạn có thể xem những thủ tục xin VISA định cư Úc [tại đây]
- Đọc thêm bài viết: [Kinh nghiệm xin VISA định cư Úc]
- Bạn có thể hiểu thêm về VISA định cư úc qua bài viết này: [link trần]
- Banner hình ảnh
3. Trỏ liên kết nội bộ mang thông tin hữu ích
Đối với 1 trang blog, thì nên có 1 vài điểm đặt link nội bộ mà bạn nghĩ “người dùng có khả năng click vào thông tin này”.
Link này có thể dẫn đến 1 trang khác trong website của bạn mà có cung cấp thông tin hướng dẫn về vấn đề liên quan đang nói tới, hoặc giải thích nhiều hơn về vấn đề đang được đề cập, hoặc cung cấp những sản phẩm/dịch vụ tương ứng. Đặc biệt là những ngách có kiến thức chuyên ngành cao, khi người dùng đang đọc bài của bạn, chưa hiểu về câu hoặc từ ngữ chuyên ngành đó, bạn có thể dẫn nguồn sang 1 bài viết khác chuyên sâu hơn.
Việc người dùng click qua trang này trang khác bên trong trang web bạn nhiều cũng là tín hiệu mà Google ghi nhận và mang về kết quả SEO tốt. Nó giúp Google hiểu rằng, thông tin trên web bạn hữu ích nên điều hướng được traffic đi từ page này sang page khác, người dùng không chỉ đọc 1 bài mà nhiều bài nữa.
4. Xây dựng menu trên đầu website
Hệ thống menu cơ bản cũng là các link nội bộ vì mỗi mục của Menu đều trỏ về các mục chính trong website của bạn hoặc về 1 trang có nội dung quan trọng, nổi bật trong website. Việc đặt Menu trên đầu trang web sẽ làm nổi bật các chủ đề chính của website, giúp Google hiểu được và đánh giá cao nội dung chính đó, ngoài ra còn là mục mà người dùng sẽ click vào thường xuyên khi họ quan tâm, đặc biệt là lượng độc giả trung thành.
5. Xây dựng link nội bộ ở dưới chân website
Liên kết ở dưới chân website không được đánh giá cao bằng ở trên đầu, vì suy cho cùng, tỉ lệ click vào nó sẽ ít hơn. Nhưng không vì thế mà bạn không tận dụng, hãy để link nội bộ anchor text đến 1 số trang có nội dung nổi bật trên website của bạn. Khi người dùng đọc xong hết 1 bài nào đó thì khả năng cao họ sẽ kéo xuống dưới chân xem còn gì không và sẽ click vào 1 số thông tin quan trọng bạn đã gắn link ở đó.
1 số nội dung mà bạn có thể đặt liên kết nội bộ dưới website như:
Giới thiệu về bạn hoặc doanh nghiệp của bạn
- Menu phụ
- Các chương trình đang diễn ra
- Các dịch vụ chính mà bạn đang làm
- Điều khoản, chính sách của website
6. Sử dụng với số lượng hợp lý
Xây dựng liêt kết nội bộ là tốt không có nghĩa là ở một trang bạn chèn kín và đầy rẫy những đường link. Google đã khuyến cáo rằng: “Hãy luôn giữ link ở trong 1 trang có số lượng hợp lý” nhưng không ai biết chính xác số lượng hợp lý này là bao nhiêu.
Cái mức hợp lý này thì do tùy người, mình thì đi khoảng 2-4 liên kết nội bộ cho nội dung khoảng 1000 từ (không tính link ở menu cũng như footer, chỉ tính trong nội dung chính).
Sự hợp lý này tùy theo bạn sử dụng tuy nhiên đừng quá nhiều và không quá ít, cốt lõi là những link đó có tỉ lệ click vào càng nhiều càng tốt.
7. Cho hiển thị thanh điều hướng (breadcrumb)
Thanh điều hướng (Breadcrumb) là thanh cho phép người dùng biết thư mục mẹ của bài viết họ đang đọc và có khả năng họ sẽ nhấn vào để tìm các bài viết cùng chuyên mục, như bạn thấy thì nó cũng vốn dĩ là liêt kết nội bộ vì nó trỏ đến thư mục trong cùng trang web. Vì vậy mình khuyến nghị bạn KHÔNG NÊN ẩn nó đi.
Đó là những kỹ thuật xây dựng liên kết nội bộ thông qua ví dụ, cùng các lưu ý trong quá trình thực hành tạo link nội bộ trên website có được từ kinh nghiệm tạo doanh thu với website nhiều năm. Chúc các bạn thành công!